Nội dung chính
ToggleBạn đam mê xe đạp và đang tìm kiếm thông tin về các loại phuộc xe đạp để có thêm kiến thức sử dụng hiệu quả và nâng cao trải nghiệm lái xe của mình? Hãy đọc bài viết này của HBW để khám phá thông tin quan trọng về phuộc xe đạp. Từ phuộc trước cho đến phuộc sau, và tìm hiểu cách chọn lựa và bảo dưỡng chúng.
Phuộc xe đạp, một số người còn gọi là càng xe, là bộ phận kết nối giữa tay lái (ghi đông), khung xe và bánh, loại phuộc giảm xóc giúp hấp thụ xóc (lực phản chấn) khi xe đạp đi qua các địa hình gồ ghề, giảm thiểu lực va đập lên khung xe và người lái. Phuộc xe đạp có nhiều loại khác nhau, phù hợp với từng mục đích sử dụng và kiểu dáng xe. Trong bài viết này, HBW sẽ giới thiệu và phân loại chi tiết các loại phuộc xe đạp phổ biến nhất hiện nay, cùng với ưu – nhược điểm của chúng.
Các Loại Phuộc Xe Đạp Phổ Biến
Trên xe đạp có 02 loại phuộc chính, đó là:
- Phuộc Trước (Front Suspension): Phuộc trước có giảm chấn (nhún được) thường được sử dụng trên xe đạp địa hình (MTB), xe đạp Touring (xe đạp hybrid), giúp giảm xóc khi đi qua địa hình đồi núi. Còn loại phuộc không giảm xóc thường thấy các dòng xe đạp đua, xe đạp thành phố,…
- Phuộc Sau (Rear Suspension): Đối với những người đạp xe địa hình như downhill, fullsupension,… có cả phuộc trước và sau, phuộc sau đóng vai trò quan trọng trong việc giảm xóc, giảm lực phản chấn do di chuyển ở địa hình khó, lực va đập mạnh, giúp giảm nguy cơ chấn thương và tăng cường sự thoải mái. Hiện có nhiều hệ thống phuộc sau như single pivot, multi-link, và horst link…. trên dòng xe địa hình chuyên dụng và tùy hãng sản xuất. Tuy nhiên, loại này không phổ biến, chỉ dùng cho người chuyên nghiệp nên HBW sẽ giới thiệu chi tiết phuộc sau trong các bài viết khác.
Để tìm hiểu chi tiết phuộc trước, trước hết, bạn cần hiểu:
Cấu tạo phuộc trước xe đạp
Cấu tạo cơ bản của phuộc xe đạp nói chung gồm các thành phần sau:
- Ống cổ phuộc (Steerer Tube): Ống cổ ngã ba, được luồn vào thanh chắn đầu và cố định vào cổ xe đạp, giúp dẫn hướng xe đạp.
- Núm vặn chỉnh độ nén hoặc khóa phuộc (Compression Adjustment): Núm để tùy chỉnh nén hoặc khóa ngã ba, giúp điều chỉnh độ cứng của phuộc theo ý muốn.
- Đầu bơm hơi/dầu (Air Valve): Đầu van bơm hơi/dầu, chỉ có trên phuộc giảm xóc hơi/dầu, giúp thay đổi áp suất khí nén/dầu thủy lực trong phuộc.
- Vai phuộc (Crown): Ngã ba kết nối 02 bên của phuộc.
- Ti phuộc (Stanchions): Phần ống nhỏ trượt lên xuống trong ống chân phuộc, có chức năng hấp thụ xóc.
- Cầu nối (Arch): Thanh giằng, nối hai ống chân phuộc lại với nhau, giúp tăng cứng cho phuộc.
- Ống chân phuộc (Lowers hoặc Lower Legs): Phần ống lớn bao quanh ti phuộc, có chức năng bảo vệ ti phuộc khỏi bụi bẩn và va chạm.
- Trục cốt bánh (Through Axle): Trục gá bánh xe vào ống chân phuộc, giúp tăng cứng cho bánh xe và phuộc.
- Tùy chỉnh độ nén – nhả nhanh hoặc chậm của bộ phận giảm xóc (Rebound Adjustments/Preload): Tùy chỉnh độ nén, nhả nhanh hay chậm của giảm xóc, giúp điều chỉnh sự trả lại của ti phuộc sau khi hấp thụ xóc.
- Lỗ bắt trục (Drop outs): Lỗ để gắn trục cốt bánh vào ống chân phuộc.
Phuộc không giảm xóc
Như đã đề cập, loại phuộc này thường được trang bị trên các dòng xe đạp đường phố, xe đạp đua, xe đạp touring phuộc không giảm xóc còn được nhiều người gọi là càng trước, được đúc dạng ống rỗng và không có chức năng hấp thụ xóc.
Ưu điểm của loại phuộc này là nhẹ, không mất lực khi đi trên địa hình bằng phẳng hay đường dài. Nhược điểm là không êm ái, gây khó chịu, thậm chí là tê tay, nhức tay khi đi lâu trên địa hình gồ ghề hay xóc mạnh.
Phuộc giảm xóc bằng lò xo
Phuộc xe đạp lò xo hay còn gọi là phuộc cơ là loại phuộc sử dụng lò xo thép để hấp thụ xóc. Loại này cơ có ưu điểm là rẻ tiền và dễ sửa chữa, bảo dưỡng. Tuy nhiên, phuộc xe đạp lò xo cũng có nhược điểm là nặng, không linh hoạt và không thể điều chỉnh được độ cứng của lò xo. Đồng thời, sử dụng thời gian lâu dài, khi bị nước vào dễ bị tiếng kêu cót két khá khó chịu khi nhún phuộc.
Phuộc xe đạp lò xo thường được sử dụng cho các loại xe đạp bình dân.
Phuộc xe đạp dầu
Phuộc xe đạp dầu là loại phuộc bên trong cấu tạo tương tự phuộc cơ, cũng có lò xo nhưng sử dụng dầu thủy lực để hấp thụ xóc, lực phản chấn. Phuộc xe đạp dầu có ưu điểm là có hiệu suất cao, ổn định, khá bền và có thể điều chỉnh được nhiều thông số kỹ thuật về độ cứng, độ lún phuộc.
Tuy nhiên, phuộc xe đạp dầu cũng có nhược điểm là nặng, khá đắt tiền (đắt hơn phuộc lò xo) và rất khó sửa chữa.
Phuộc xe đạp dầu thường được sử dụng cho các loại xe đạp tầm trung, xe đạp chuyên dụng. Hiện nay, phần lớn xe gắn máy đều sử dụng phuộc dầu.
Phuộc xe đạp hơi
Phuộc xe đạp hơi là loại phuộc sử dụng khí nén để hấp thụ lực. Khi phuộc hấp thụ hoặc truyền lực từ bên ngoài, không khí bên trong phuộc sẽ bị nén lại giống như lò xo. Đây được xem là loại phuộc cao cấp nhất.
Phuộc xe đạp hơi có ưu điểm là khả năng hấp thụ xóc tốt, trọng lượng nhẹ, cho phép tùy chỉnh nhiều hơn, bao gồm cả sag Index (độ lún của phuộc theo trọng lượng của người lái khi lên xe), bằng cách tăng hoặc giảm áp suất khí nén. Tuy nhiên, phuộc xe đạp hơi cũng có nhược điểm là đắt tiền, cần bảo trì thường xuyên và có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường do giãn nở khí nén.
Phuộc xe đạp hơi thường được sử dụng cho các loại xe đạp địa hình (MTB) cao cấp, chuyên dụng cho các hoạt động xe đạp thể thao mạo hiểm.
03 vấn đề cần lưu ý khi chọn và sử dụng phuộc xe đạp
Chọn phuộc xe đạp phù hợp với loại xe
Phuộc phù hợp sẽ phụ thuộc vào loại xe đạp bạn đang sử dụng. Nếu là người đam mê địa hình, loại xe có cả phuộc trước và sau sẽ là lựa chọn tốt để tối ưu hóa khả năng vượt trội trên đồi núi, địa hình hiểm trở.
Còn đối với xe đạp đua, hãy sử dụng phuộc không giảm xóc để tối ưu lực đạp. Vì việc giảm chấn cũng hấp thu không ít lực đạp của người lái, dẫn tới khó tăng tốc.
Nếu chỉ để tập luyện, thể thao bình thường, hãy chọn phuộc dầu hoặc hơi nếu bạn có điều kiện kinh tế. Hoặc phuộc cơ (phuộc lò xo) để tiết kiệm chi phí. Lý do nên chọn xe có phuộc để giúp bạn lái xe êm ái hơn, tránh lực phản chấn liên tục từ mặt đường lên cổ tay, dễ gây mỏi.
Trọng Lượng Người Sử Dụng
Trọng lượng của người đạp cũng ảnh hưởng đến sự chọn lựa phuộc. Bạn hãy chú ý đến hành trình giảm xóc (khả năng lún từ min-max của phuộc) để chọn loại phù hợp.
Các loại hành trình phổ biến là từ 100 – 140mm, dựa vào cân nặng, bạn hãy lựa chọn cho mình loại phuộc phù hợp, hoặc liên hệ HBW để được tư vấn.
Ngoài ra, trên phuộc dầu hoặc phuộc hơi sẽ có những tính năng như: rebound, compression, preload nhằm tùy chỉnh độ lún (tức phuộc cứng hay mềm) để bạn có thể dựa vào đó điều chỉnh cho phù hợp với cân nặng của mình hoặc loại địa hình đang di chuyển. Nếu di chuyển trên đường bằng và cần tốc độ cao, bạn hãy khóa chức năng giảm xóc lại nhé. Hoặc ngược lại, tùy sở thích của bạn.
Bảo dưỡng, bải trì phuộc xe đạp đúng cách
Bảo dưỡng là yếu tố quan trọng để giữ cho phuộc hoạt động mượt mà và đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Tuy nhiên, nếu không được bảo trì và bảo dưỡng đúng cách, phuộc xe đạp có thể bị hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng lái và tuổi thọ của xe. Để bảo trì và bảo dưỡng phuộc xe đạp hiệu quả, HBW gọi ý bạn cần thực hiện 04 việc sau:
- Vệ sinh phuộc xe đạp thường xuyên, ít nhất một lần mỗi tuần hoặc sau mỗi chuyến đi. Bạn có thể sử dụng khăn giấy, vải mềm hoặc bông gòn để lau sạch bụi bẩn, cát và các chất bẩn khác trên phuộc. Đặc biệt, cần chú ý lau sạch ống nhún của phuộc để tránh bị xước và rỉ sét.
- Bôi trơn phuộc xe đạp định kỳ, khoảng một lần mỗi tháng nếu bạn có điều kiện hoặc khi phuộc có dấu hiệu khô cứng, kêu cọt kẹt. Bạn có thể sử dụng dầu nhớt hoặc mỡ bôi trơn chuyên dụng cho phuộc xe đạp. Bôi trơn ở các điểm tiếp xúc giữa các bộ phận của phuộc, như ống lò xo, ống nhún, piston và van. Sau khi bôi trơn, vận hành phuộc vài lần để dầu nhớt thấm đều vào các bộ phận trước khi lắp ráp lại.
- Kiểm tra và điều chỉnh độ căng của phuộc xe đạp theo nhu cầu sử dụng. Độ căng của phuộc ảnh hưởng đến độ êm và linh hoạt của xe khi đi qua các địa hình khác nhau. Bạn có thể điều chỉnh độ căng của phuộc bằng cách xoay núm vặn hoặc bơm khí nén vào ống phuộc để có trải nghiệm lái tốt nhất. Không nên để phuộc trong tình trạng thiếu hơi, thiếu dầu giảm chấn.
- Thay thế các linh kiện hư hỏng của phuộc xe đạp khi cần thiết. Nếu bạn phát hiện ra các dấu hiệu như phuộc bị rò rỉ dầu nhớt, ống lò xo bị gãy, piston hoặc van bị hỏng, bơm hơi vào phuộc không được, hãy thay thế ngay để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của phuộc và an toàn của bạn khi lái xe. Bạn có thể tự thay thế các linh kiện đơn giản hoặc mang xe đến cửa hàng sửa chữa để được hỗ trợ.
Bằng cách thực hiện những việc trên, bạn sẽ giúp cho phuộc xe đạp luôn hoạt động tốt và kéo dài tuổi thọ. Phuộc xe đạp là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng và sự thoải mái của bạn khi lái xe, vì vậy bạn nên chăm sóc nó một cách tốt nhất.
HBW hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại phuộc xe đạp và sử dụng một cách hiệu quả nhé.
Chúc các bạn lái xe an toàn!