Nội dung chính
ToggleRideRight – Đi học khỏe và an toàn bằng xe đạp tập trung vào nhóm tuổi từ 12 – 18, tức học sinh Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông (cấp 2 và 3). Với niềm tin rằng thanh thiếu niên là nhóm độ tuổi linh hoạt và đầy năng lượng, RideRight mong muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với lối sống và tư duy vận động của các em và cộng đồng trong tương lai thông qua việc khám phá thế giới xung quanh bằng cách sử dụng xe đạp.
Tại sao lại là xe đạp?
Vì nó vui! Bạn còn nhớ cảm giác hồi hộp khi lần đầu tiên đạp xe đến trường vào ngày đầu tiên không? Có một cảm giác vui vẻ và độc lập, một cảm giác phiêu lưu, một chút tự hào về thành công của bản thân… Tất nhiên, việc đi xe đạp đến trường cũng có nhiều lợi ích khác.
Nói tóm lại, RideRight không chỉ là một chương trình khuyến khích việc sử dụng xe đạp cho học sinh từ đó hình thành thói quen vận động, phát triển kỹ năng sống, tư duy tự lập, và thể hiện cái tôi của mình thông qua việc tham gia vào các chương trình tập thể.
Tại sao RideRight lại quan trọng?
Cần có dự án thiết thực, khả thi, có thể triển khai trên diện rộng, có tính lặp lại để giáo dục ý thức và nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội để thúc đẩy việc bảo vệ an toàn và nâng cao sức khỏe thể chất của thanh thiếu niên Việt Nam.
1. Học sinh có cần bảo vệ không?
Học sinh, đặc biệt là nhóm tuổi từ 12 – 18, còn được gọi là thanh thiếu niên là những người đang trong giai đoạn phát triển quan trọng của cuộc đời. Đây không chỉ là thời kỳ hình thành về mặt kiến thức trong văn hóa và xã hội, mà còn là giai đoạn hình thành về tư duy và lối sống. Bảo vệ học sinh không chỉ là nhiệm vụ của gia đình và trường học, mà còn là trách nhiệm của cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, theo UNICEF, trẻ em là tương lai của nhân loại nhưng cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Tổn thương có thể đến từ chính gia đình, các yếu tố bên trong/ngoài nhà trường và cả biến đổi khí hậu.
2. Giáo Dục Là Hàng Đầu, Nhưng Các Vấn Đề Khác Chưa Rõ Ràng
Giáo dục được coi là chìa khóa mở cánh cửa cho tương lai. Tuy nhiên, trong khi chú trọng vào giáo dục là rất quan trọng, những vấn đề liên quan đến an toàn, sức khỏe, và môi trường sống của thế hệ trẻ thường chưa nhận được sự chú ý đầy đủ. Cụ thể ở đây là việc thực hiện các giải pháp từ các tổ chức, cộng đồng còn chưa đồng bộ, sâu sát, nhất quán trên diện rộng hoặc chưa mang tính lặp lại thành thói quen.
Nhất là, Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế nóng nhất và nguy cơ chúng ta đang bỏ qua điều quan trọng thật sự. Sự tập trung vào kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài trong nhiều thập kỷ trở lại đây có thể khiến GPD tăng trưởng, nhưng về dài hạn dễ dàng làm mờ các vấn đề quan trọng khác như giáo dục và môi trường. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ qua các vấn đề này, với hậu quả có thể không chỉ xuất hiện trong tương lai gần mà còn kéo dài đến 20-30 năm sau.
Do đó, các yếu tố kể trên của trẻ em đang chưa được quan tâm đúng và điều kiện sống, học tập của trẻ em nước ta đang bị bỏ lại khá xa so với thế giới.
4. Hậu Quả Có Thể Gây Ảnh Hưởng Tới Xã Hội Và Kinh Tế
Nếu không chú trọng và giải quyết các vấn đề như giáo dục – môi trường ngay từ bây giờ, hậu quả có thể lan rộng và tác động đến nền kinh tế và xã hội. Các vấn đề về sức khỏe, môi trường, và sự độc lập cá nhân của thế hệ trẻ có thể trở thành gánh nặng nặng nề trong tương lai, đòi hỏi nhiều hơn về tài chính và nguồn lực để khắc phục. Thậm chí, nguồn lực bỏ ra còn nhiều hơn gấp nhiều lần so với việc đánh đổi lợi ích ở hiện tại.
Với đà phát triển này, có thể 30 – 40 năm nữa hậu mới thấy rõ ràng, nhưng hãy là những công dân có trách nhiệm, vì tương lai của con em chúng ta.
5. RideRight – Đến Trường Khỏe và An Toàn Là Giải Pháp
Chương trình RideRight không chỉ là một sáng kiến đơn thuần về việc đi xe đạp, mà còn là giải pháp toàn diện đối với những vấn đề trên. Bằng cách khuyến khích học sinh tự lập và sử dụng xe đạp an toàn, chương trình không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe của học sinh mà còn xây dựng những người tự tin, trách nhiệm và có ý thức về môi trường sống của họ. RideRight không chỉ là hành trình đến trường, mà còn là hành trình xây dựng tương lai bền vững cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Vậy lợi ích trực tiếp của RideRight là gì?
07 Lợi ích trực tiếp từ chương trình RideRight
1. Giúp Học Sinh An Toàn Hơn
Một trong những mục tiêu chính của chương trình RideRight là đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học. Việc tạo ra các làn đường dành riêng cho xe đạp giúp giảm nguy cơ tai nạn giao thông. Nghiên cứu cho thấy, khi có làn đường xe đạp an toàn, tỷ lệ tai nạn giảm đến gần 50% so với khi không có làn đường riêng (nghiên cứu tại New York, Mỹ).
Một nghiên cứu về 47 trường học ở California cho thấy, những cải thiện về cơ sở hạ tầng của Tuyến đường an toàn đến trường đã giúp giảm 75% các vụ va chạm liên quan đến người đi bộ và đi xe đạp ở mọi lứa tuổi.
2. Giảm Chi Phí Đi Lại Cho Gia Đình
Sử dụng xe đạp giúp giảm chi phí đi lại đáng kể cho các gia đình. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí sử dụng xe đạp chỉ bằng 1/10 so với việc sử dụng xe máy hoặc ô tô. Điều này đặc biệt có lợi cho các gia đình có thu nhập thấp.
3. Giảm Tình Trạng Học Sinh Vắng Mặt Và Đi Học Muộn
Việc đi học bằng xe đạp giúp học sinh chủ động hơn trong việc di chuyển, giảm thiểu tình trạng vắng mặt và đi học muộn. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ học sinh đi học đúng giờ tăng 05% khi các em sử dụng xe đạp để đến trường.
Việc này nghe có vẻ nghịch lý với việc mỗi sáng có người reo hò các em dậy để đi học so với việc phải tự lập, tự chịu trách nhiệm với lịch học của bản thân.
4. Giảm Tắc Nghẽn Giao Thông
Khi nhiều học sinh sử dụng xe đạp để đi học, tình trạng tắc nghẽn giao thông sẽ giảm đáng kể, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Một khảo sát tại Hà Nội cho thấy, chỉ cần20% học sinh chuyển sang đi xe đạp, tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trường học có thể giảm tới 15%.
5. Học Sinh Khỏe Mạnh Hơn
Đi xe đạp là một hình thức vận động thể chất tốt, giúp học sinh khỏe mạnh hơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc đạp xe hàng ngày có thể giảm nguy cơ béo phì và các bệnh liên quan đến lối sống ít vận động.
6. Cải Thiện Hiệu Suất Học Tập
Hoạt động thể chất như đạp xe giúp tăng cường khả năng tập trung và cải thiện hiệu suất học tập. Một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy, học sinh đi học bằng xe đạp có điểm số cao hơn 15% so với những học sinh đi học bằng phương tiện khác.
Chương trình Safe Route To School ở Mỹ cho biết, được vận động như đi bộ/đạp xe trong 20 phút, trẻ em trả lời các câu hỏi kiểm tra chính xác hơn và có nhiều hoạt động não hơn so với trẻ em ngồi một chỗ. Trẻ em cũng hoàn thành các nhiệm vụ học tập nhanh hơn và chính xác hơn sau khi hoạt động thể chất.
7. Không Khí Trong Lành Và Ít Cơn Hen Suyễn Hơn
Việc giảm lượng xe máy và ô tô trên đường giúp giảm khí thải, cải thiện chất lượng không khí. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy, khi các thành phố giảm 10% lượng xe cá nhân, tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp, bao gồm hen suyễn, giảm 20%.
Trong 25 năm qua tại Mỹ, trẻ em độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi, số ca mắc bệnh hen suyễn đã tăng 74%. Ngoài ra, có tới 14 triệu ngày học bị nghỉ mỗi năm do bệnh hen suyễn. Một phần ba số trường học nằm trong “khu vực nguy hiểm về ô nhiễm không khí”.
Trẻ em tiếp xúc với ô nhiễm giao thông có nhiều khả năng mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi vĩnh viễn và nguy cơ mắc các vấn đề về tim và phổi cao hơn khi trưởng thành.
Các vấn đề chính đối với thanh thiếu niên và RideRight có thể tác động
1. Sức Khỏe Thể Chất và Tinh Thần của Học Sinh
- Vấn Đề: Cuộc sống hiện đại với thói quen ít vận động, thích nằm nhà ôm điện thoại có thể dẫn đến vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần cho thanh thiếu niên. Xem báo cáo tại đây.
- Tác Động của RideRight: Khuyến khích học sinh tham gia hoạt động thể chất thông qua việc đi xe đạp sẽ giúp các em vận động, ra mồ hôi, kết nối với các hội nhóm, bạn bè mới… để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.
2. Tính Tự Lập và Phụ Thuộc Cha Mẹ
- Vấn Đề: Tính tự lập là quan trọng để phát triển bản thân, nhưng nhiều thanh thiếu niên có thể trở nên quá phụ thuộc vào cha mẹ. Dù có thể tự chủ nhiều việc nhưng ngay cả việc học, lịch học của bản thân cũng phải phụ thuộc vào cha mẹ nhắc nhở, đưa đón. Thiếu chủ động trong việc học có thể dẫn tới kết quả học tập sa sút, chán nản.
- Tác Động của RideRight: Bằng cách khuyến khích học sinh tự lập trong việc tự mình đi học bằng xe đạp, chương trình giúp phát triển tư duy tự quản lý và trách nhiệm, ít nhất với chính bản thân.
3. An Toàn Trong Giao Thông Học Đường Thấp
- Vấn Đề: Giao thông học đường có thể đầy rủi ro, đặc biệt là với học sinh sử dụng xe gắn máy, phương tiện có tốc độ cao. Trong khi kỹ năng tham gia giao thông đô thị còn thấp, chưa được trải nghiệm nhiều. Đặc biệt, văn hóa đi xe máy vì “tiện lợi” đã khiến đường đi cho xe đạp và đi bộ gần như không còn nữa, kể cả vỉa hè. Đó là lý do khiến tỉ lệ TNGT trong học đường tăng cao. Xem chi tiết báo cáo của HBW về TNGT học đường tại đây.
- Tác Động của RideRight: Chương trình cung cấp buổi đào tạo, giáo dục về an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông, giúp học sinh tự tin và an toàn khi tham gia giao thông. Phối hợp nhà trường siết chặt việc học sinh sử dụng xe máy đi học. Phối hợp với chính quyền địa phương tạo các khu vực vật lý (đường đi, rào chắn, khu vực đậu xe,…) và người điều phối trong giờ cao điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho các em đi học bằng xe đạp và đi bộ đến trường.
4. Tỉ Lệ Xe Gắn Máy Cao ở Việt Nam
- Vấn Đề: TP.HCM hiện có gần 9 triệu phương tiện (chưa tính xe vãng lai), trong đó hơn 90.300 ô tô và 8 triệu xe máy, tăng gần 4% so với năm 2022. Theo thống kê, bình quân một ngày có 1.000 phương tiện đăng ký mới (mỗi tháng có 30.000 phương tiện). Riêng Hà Nội có đến 6 triệu xe máy tham giao và lưu thông trên đường trên tổng số 7.2 triệu dân đăng ký hộ khẩu chính thức. Con số này đã thể hiện được mật độ dày đặc của các phương tiện giao thông tại Thủ đô. Tắc đường là điều tất yếu khó tránh khỏi. Tỉ lệ cao xe gắn máy tăng nguy cơ tai nạn và ảnh hưởng đến môi trường.
- Tác Động của RideRight: Bằng cách khuyến khích sử dụng xe đạp, chương trình giúp giảm áp lực từ ô nhiêm không khí, tiếng ồn và rủi ro do tốc độ cao từ xe gắn máy và tạo ra môi trường an toàn hơn cho học sinh.
5. Giao Thông Đô Thị Phức Tạp
- Vấn Đề: Giao thông đô thị ở Việt Nam có thể nói thuộc TOP đầu thế giới. Quá nhiều loại phương tiện tham gia giao thông, ý thức kém dẫn tới các hành vi tạt ngang, tạt dọc, lấn làn lấn tuyến,… có thể làm tăng nguy cơ tai nạn không chỉ cho học sinh. Phải là “tay lái cứng” bạn mới có thể tham gia giao thông ở những đô thị lớn.
- Tác Động của RideRight: Chương trình khuyến khích học sinh sử dụng xe đạp, tự mình trải nghiệm để học hỏi kinh nghiệm tham gia giao thông đô thị trước khi sử dụng các phương tiện có tốc độ cao hơn. Bên cạnh đó, giảm số lượng phụ huynh đưa đón, giảm áp lực giao thông và làm giảm rủi ro tai nạn.
6. Ô Nhiễm Không Khí và Tiếng Ồn
- Vấn Đề: Sự tăng cường của phương tiện giao thông gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn cực kỳ nghiêm trọng. Là nguyên nhân của nhiều bệnh nguy hiểm cho thế hệ trẻ. Xem báo cáo tình trạng môi trường tại đây.
- Tác Động của RideRight: Bằng cách giảm sự phụ thuộc vào xe gắn máy, chương trình đóng góp vào việc giảm ô nhiễm và tiếng ồn đô thị.
7. Biến Đổi Khí Hậu
- Vấn Đề: Việc sử dụng các phương tiện phát thải, động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hóa thạch không bền vững góp phần lớn vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
- Tác Động của RideRight: Chương trình hỗ trợ việc sử dụng xe đạp, một phương tiện giao thông bền vững, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Tạo nên thói quen di chuyển xanh, tạo nên cộng đồng xanh để góp phần vào mục tiêu trung hòa Carbon.
RideRight – Đi học khỏe và an toàn là dự án gắn chặt, không tách rời và góp phần quan trọng vào mục tiêu NETZERO 50 của chính phủ Việt Nam.
Từ các bậc cha mẹ, nhà trường, các cấp chính quyền, cũng như các tổ chức khác, bao gồm cả các doanh nghiệp cần có hành động cụ thể vì thế hệ trẻ Việt Nam.
HBW rất hi vọng mọi người – chung tay cùng nhau để tạo nên những thành công cho RideRight để nhân rộng, duy trì và phát triển hơn nữa trong tương lai.
Hãy hợp tác, đồng lòng để xây dựng một tương lai bền vững cho thanh thiếu niên Việt Nam thông qua chương trình RideRight!