Nội dung chính
ToggleVới những mới người hoặc ngay cả với những người sử dụng xe đạp lâu năm cũng luôn có nhiều thắc mắc về các bộ phận của xe đạp. Hiểu sâu về điều này không chỉ giúp bạn tăng khả năng sử dụng xe đạp một cách hiệu quả, mà còn giúp bạn bảo trì và sửa chữa xe đạp khi cần thiết. Trong bài viết này, HBW sẽ giới thiệu cho bạn tổng quan về các bộ phận chính của xe đạp và chức năng của chúng.
Các bộ phận của xe đạp gồm những phần nào?
Cấu tạo xe đạp khá đơn giản so với các loại phương tiện khác. Có nhiều loại xe đạp trên thị trường, nhưng nhìn chung, có thể chia xe đạp thành 07 phần chính cần phải quan tâm như sau để có thể dễ nhớ hơn:
- Khung sườn
- Hệ thống truyền động
- Hệ thống phanh
- Hệ thống lái
- Yên xe & baga
- Phụ kiện và linh kiện khác
- Các lỗi thường gặp trên xe đạp
Khung sườn
Khung sườn là bộ phận quan trọng nhất của xe đạp. Đó là nơi bánh xe và các bộ phận khác được gắn vào. Khung sườn xe đạp thể hiện phong cách, tính năng và chất lượng của chiếc xe. Khung sườn cũng là yếu tố chính ảnh hưởng đến trọng lượng, độ bền, độ cứng và khả năng hấp thụ xóc của xe.
Cấu tạo của khung xe đạp truyền thống có thể hiểu đơn giản bao gồm các thanh-ống (gióng) tạo thành 2 tam giác: tam giác chính phía trước và tam giác nhỏ phía sau được kết nối với nhau.
Tam giác chính gồm 3 ống: ống ngang (top tube), ống nghiêng (down tube) và ống đứng (Seat tube). Kết nối với phần trước bằng ống cổ lái, hay còn gọi là cổ phốt (head tube).
Tam giác phía sau gồm 3 ống: ống đứng (seat tube), ống ngang phía sau (chainstay) và ống nghiêng phía sau (seatstay).
Chất liệu của khung sườn xe đạp chủ yếu là khung thép, khung nhôm hợp kim, carbon hoặc titan. Các ống này được nối với nhau bằng các mối hàn hoặc các khớp nối, hoặc cũng có thể được đúc nguyên khối đối với chất liệu carbon.
Các bạn có thể đọc chi tiết các loại khung xe đạp tại đây.
Hệ thống truyền động
Bộ truyền động trên xe đạp là một hệ thống quan trọng giúp xe di chuyển, nó bao gồm một loạt các bộ phận và thành phần phối hợp làm việc cùng nhau để chuyển động năng từ lực đạp của người lái thành sự quay của bánh xe để xe di chuyển về phía trước. Gồm các thành phần sau:
- Đĩa (dĩa) trước – Front Chainring: Là phần nhận lực đạp truyền tới từ chân thông qua bàn đap và giò dĩa, tạo moment để thành chuyển động. Trên thị trường hiện nay rất đa dạng các loại đĩa xe đạp, phổ biến nhất là từ 1 đến 3 đĩa. Các xe hiện đại và phân khúc cao ngày nay thì còn để lại 1 đĩa trước duy nhất để giảm trọng lượng và độ phức tạp cho người lái trong khi di chuyển. Các loại đĩa xe đạp phổ biến là 50/34, 52/36 và 53/39 (số bánh răng trên đĩa)
- Trục giữa – Bottom Bracket: Là hệ thống vòng bi nằm trên khung xe và gắn với giò dĩa để tạo chuyển động quay mượt mà. Có các loại trực giữa như trục cốt vuông, trục cốt rỗng với 02 loại vòng bi phổ biến: bi bạc đạn & bi côn.
- Giò dĩa (đùi) – Crankset: Để gắn bàn đạp và nhận lực đạp từ chân. Từ đó tạo nên chuyển động quay cho đĩa trước. Thường giò dĩa có kích thước phổ biến từ 165mm đến 180mm, được làm phổ biến từ hợp kim nhôm hoặc thép.
- Xích (sên) – Chain: Là bộ phận truyền động năng từ đĩa trước tạo thành lực kéo sang líp sau, để tác động lực lên bánh xe nhằm giúp xe di chuyển về phía trước. Đây là một chuỗt các mắt xích gắn với nhau, hay còn được hiểu về mặt kỹ thuật là chuỗi các con lăn được gắn với nhau bằng liên kết trong (inner plates) và liên kết ngoài (outer plates) và thường có cấu tạo từ thép hoặc titan.
- Líp – Cassette: là các bánh răng được xếp chồng lên nhau, có kích thước và số bánh răng khác nhau nhằm tạo ra tỉ số truyền lực khác nhau, giúp người đạp có nhiều lựa chọn đạp năng-nhẹ, nhanh-chậm tương ứng. Được gắn trực tiếp lên trục bánh sau giúp bánh xe quay khi nhận được lực kéo tới từ xích. Hiện có các loại phổ biến từ 1 (líp đơn – single) cho tới 11 tầng líp. Tương ứng với khái niệm tốc độ thường được nhắc tới trên xe đạp.
- Bộ đề trước – Front derailleur: Hệ thống giúp chuyển xích lên-xuống các tầng đĩa.
- Bộ đề sau (cùi đề) – Rear derailleur: Hệ thống giúp xích lên-xuống các tầng líp để thay đổi tốc độ cũng như lực đạp.
Các hãng sản xuất bộ truyền động có thương hiệu lớn trên thế giới như: SRAM, Shimano, Microshift, LT-woo,…
Hệ thống phanh
Hệ thống phanh trên xe đạp có chức năng quan trọng giúp người lái kiểm soát tốc độ và dừng lại an toàn khi cần thiết. Đây là bộ phận gần như bắt buộc phải có trên mọi loại xe, trừ 1 vài loại đặc biệt như xe đạp fixed gear, xe đạp BMX. Tuy nhiên, các loại xe đạp này vẫn có thể gắn để đảm bảo an toàn nếu bạn cần.
Nhìn chung, phanh xe đạp gồm 02 loại chính:
- Phanh đĩa: Là loại phanh có hệ thống má phanh nhận lực bóp thông qua cơ (phanh đĩa cơ) hoặc thủy lực (phanh dầu) làm cho 02 má phanh kẹp vào một đĩa thép được gắn trực tiếp lên bánh trước và sau để hãm tốc độ.
- Phanh (bóp) vành: Tương tự, khi nhận được lực bóp phanh, sẽ có 02 má phanh (thường là cao su) ép vào vành xe để giảm tốc độ.
Phanh đĩa có hiệu suất tốt hơn và được sử dụng chủ yếu trên các loại xe đạp địa hình hoặc xe đạp Touring, còn phanh bóp vành lại dễ thay thế, bảo trì và nhẹ hơn nên thường sử dụng trên các dòng xe đạp fixed gear (phanh phụ), Roadbike (Xe đạp đua)
Hệ thống lái
Hệ thống lái trên xe đạp bao gồm các bộ phận để người lái có thể điều khiển, quản lý cách và hướng chiếc xe di chuyển. Do đó, chúng có thể bao gồm các bộ phận chính sau:
- Ghi đông (Handlebars): Ghi đông hay tay lái là bộ phận dùng để nắm để điều khiển hướng di chuyển của xe.Có nhiều loại ghi đông khác nhau, như ghi đông thẳng, ghi đông cong, ghi đông cánh bướm, ghi đông dốc,…. Lựa chọn ghi đông xe đạp phụ thuộc vào tư thế lái xe mong muốn và mục đích sử dụng để điều khiển chiếc xe đạp thoải mái và an toàn nhất với bạn.
- Pô tăng (Stem): là bộ phận nối giữa ghi đông và ống lái, nó quyết định độ cao và khoảng cách của ghi đông với khung xe, ảnh hưởng rất nhiều đến tư thế lái xe. Người lái có thể điều chỉnh pô tăng để phù hợp với tư thế lái xe, tránh gây mỏi thậm chí chấn thương khi chạy xe đạp lâu ngày.
- Tay phanh (Brake Levers) & tay đề: tay phanh và tay đề được gắn trực tiếp trên ghi đông, người lái bấm/gạt để kích hoạt hệ thống phanh hoặc chuyển các tầng dĩa, líp nhằm thay đổi tốc độ của xe đạp theo nhu cầu di chuyển. Thường có hai tay phanh và 2 tay đề, 1 số xe hiện tại sẽ tích hợp trên 1 hệ thống để gọn gàng, một cho bánh trước và một cho bánh sau.
- Bánh xe (Wheels): Bánh xe là bộ phận quan trọng trong hệ thống lái, vì chúng là phần tiếp xúc trực tiếp với đường. Trên mỗi bánh xe sẽ có nhiều thành phần khác nhau như: lốp (vỏ), xăm (ruột), ti mở nhanh, đùm, van, căm xe (tăm-nan hoa)… Do đó, bạn nên kiểm tra bánh xe thường xuyên trước mỗi chuyến đi.
Yên xe & baga
Yên xe là bộ phận giúp người lái ngồi vững vàng để điều khiển xe an toàn. đây là bộ phận nhận gần như toàn bộ trọng lụợng cơ thể nên bạn cần chọn loại yên xe đạp và điều chỉnh độ cao, độ nghiêng của yên xe phù hợp. Tránh gây khó chiu, chấn thương nếu sử dụng xe đạp thường xuyên. Có rất nhiều loại yên xe khác nhau (hơn 20 loại), các bạn hãy chọn hoặc liên hệ các đơn vị tư vấn xe chuyên nghiệp như HBW để được hỗ trợ.
Baga được xem là phụ kiện bổ sung, gắn vào phía sau xe thông qua các bát (pad) hoặc ốc, vít nhằm tải trọng thêm hàng hóa hoặc người. Thường có 02 loại baga từ thép hoặc nhôm. Tuy nhiên, gaba chỉ phù hợp với dòng xe địa hình, xe touring, không phù hợp với xe road hoặc các loại chuyên cho thể thao khác.
Phụ kiện và linh kiện khác
Là các linh kiện, phụ kiện theo xe đạp để giúp các bạn phục vụ nhu cầu di chuyển và có thêm trải nghiệm lái tốt hơn. Các phụ kiện theo xe đạp đã được HBW giới thiệu chi tiết tại bài viết phụ kiện xe đạp, các bạn có thể đọc tham khảo.
Nhìn chung, có nhiều loại phụ kiện bạn có thể quan tâm trên xe đạp như: mũ bảo hiểm, đèn phản quang, đèn trước, chuông, đồng hồ tốc độ, bình nước,…
Tất nhiên, trên xe đạp còn rất rất nhiều các phụ tùng, linh kiện khác như van xe, đùm, vòng bi, bàn đạp… Rất khó để giới thiệu chi tiết trong 01 bài viết. Tuy nhiên, nếu bạn nắm được các thành phần chính các bộ phận của xe đạp như HBW đã đề cập, bạn đã có thể nắm bắt những điều cốt lõi để chủ động sửa chữa các lỗi cơ bản hoặc hoàn toàn có thể tự học lắp ráp, thay thế các linh kiện khi cần thiết.
Cảm ơn các bạn đã đón đọc bài viết của HBW – Xe đạp của thanh xuân!