Nội dung chính
ToggleViệt Nam, một đất nước hồn hậu với những cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời, đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc thúc đẩy thói quen di chuyển bằng xe đạp. Dù phương tiện này là phương tiện phổ biến nhất trong thế kỷ 20 ở nước ta.
Thông qua dự án RideRight – Đi Học Khỏe và An Toàn, hi vọng chúng ta cần vượt qua những thách thức dưới đây để tạo nên một cộng đồng đi xe đạp mạnh mẽ, thông qua việc tạo nên môi trường giao thông học đường xanh và an toàn ngay hôm nay bằng cách thay đổi thói quen di chuyển của các em học sinh.
Thách thức của RideRight
Thói Quen Sử Dụng Xe Máy
Người Việt Nam lâu nay đã phát triển thói quen sử dụng xe máy như một phương tiện chính để di chuyển. Sự thuận tiện, khả năng di chuyển linh hoạt và tốc độ của xe máy lại đang tạo ra một thách thức lớn, khiến cho việc thuyết phục họ chuyển sang việc sử dụng xe đạp trở nên khó khăn. Công việc tạo ra nhận thức và thay đổi tư duy về việc di chuyển là một bước quan trọng mà không chỉ HBW, mà các nhà hoạch định chính sách cần để tâm trong hành trình xanh hóa giao thông nói chung.
Bên cạnh đó, việc thay đổi này cũng cần thực hiện một cách chậm rãi, có điều kiện và theo quy hoạch giao thông tổng về vì nó tác động cực lớn đến đời sống xã hội của người dân nói chung. Thậm chí còn tác động đến thu nhập, kinh tế của nhiều gia đình.
Dù sao, việc cấm xe máy đã được nhiều nước áp dụng, ngay cả nước đông dân và phức tạp như Trung Quốc, họ đã cấm xe máy trong các khu đô thị lớn từ cách đây gần 20 năm.
Cơ Sở Vật Chất Chưa Đáp Ứng
Cơ sở vật chất như đường xá, bãi đậu xe,… cần được cải thiện để đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc sử dụng xe đạp. Đường xá hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu cho người đi xe đạp, và việc xây dựng làn đường an toàn cho xe đạp là một thách thức cực lớn trong quy hoạch đô thị. Hệ thống bãi đỗ xe và các điểm dừng cho người đi xe đạp cũng cần được quan tâm để tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Ở châu Âu và Bắc Mỹ, họ đã tốn hàng trăm triệu đô và ít nhất cũng cần từ 07 – 10 năm để tạo những cơ sở vật chất thuận tiện nhằm thúc đẩy người dân sử dụng xe đạp. Tuy nhiên, có một điểm chung là họ luôn bắt đầu thực hiện từ những khu vực công cộng như trường học trước, vì trẻ em, thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Nhận Thức Xã Hội
Việc xem xe đạp chỉ là phương tiện di chuyển thay thế thường gặp nhiều định kiến, họ cho đó là sự lỗi thời. Việc xây dựng nhận thức về lợi ích của việc sử dụng xe đạp không chỉ cho sức khỏe cá nhân mà còn cho môi trường là quan trọng. Cần có các chiến dịch truyền thông để thay đổi tư duy xã hội và tạo động lực cho việc sử dụng xe đạp.
Bên cạnh đó, rất nhiều thành phần trong xã hội có ý thức tham gia giao thông đô thị rất kém. Tranh làn, lấn người đi bộ, xe đạp của không ít người tham gia giao thông khiến những người có ý thức bảo vệ môi trường cực kỳ khó chịu khi tham gia giao thông.
Sự thiếu ý thức giao thông từ phía một bộ phận người lái xe gắn máy, oto khiến nguy cơ tai nạn tăng lên, đặt ra thách thức không nhỏ về khả năng tự lập và an toàn của học sinh. RideRight cần đồng hành với cơ quan chức năng để cải thiện an toàn giao thông và giảm thiểu rủi ro cho các em nhỏ.
Từ Thời Tiết
Thời tiết mưa nắng thất thường, tiêu biểu như khu vực phía Nam như ở TP. HCM, đặc biệt mùa mưa chính là một rắc rối cho học sinh khi tự đi học bằng xe đạp hoặc đi bộ đến trường. Phụ huynh lo lắng về việc con cái có thể gặp khó khăn hoặc không an toàn khi phải di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu. Do đó, những làn đường riêng, những biển hiệu cảnh báo, những khu vực chuyên dụng gần trường học sẽ là những giải pháp an toàn trước mắt để cải thiện vấn đề này.
Điều kiện khí hậu nắng nóng trong phần lớn thời gian trong năm ở khu vực phía Nam có thể khiến phụ huynh và học sinh “lười” với việc đi bộ, đạp xe vận động. Tuy nhiên, các bạn hãy nhớ, ở phương Tây, đặc biệt là Bắc Âu, họ chịu giá lạnh phần lớn thời gian trong năm, thường xuyên phải mặc quần áo dày cộm đạp xe dưới trời mưa tuyết đầy ẩm ướt trơn trượt. Do đó, thời tiết chỉ là cái cớ cho bệnh lười cố hữu trong tư duy thiếu tiến bộ cần cải thiện. Chưa kể phần lớn thời gian các em đi học sẽ di chuyển vào buổi sáng hoặc chiều tối, những thời điểm mà ánh nắng đã dịu bớt rất nhiều. Phần lớn người châu Âu sang Việt Nam đều đánh giá đây là môi trường lý tưởng để đạp xe, đi bộ.
Hãy vận động dù bất cứ hoàn cảnh nào, vì chúng ta đều thừa nhận là nó tốt cho sức khỏe của con người và môi trường.
Giáo Dục và Thay Đổi Tư Duy
Cần có một chiến lược giáo dục mạnh mẽ để thay đổi tư duy của giới trẻ và cả cộng đồng về việc sử dụng xe đạp. Việc tích hợp chủ đề về an toàn giao thông và lợi ích của xe đạp vào chương trình giáo dục là chìa khóa để tạo ra những thay đổi lâu dài. Bởi như đã trình bày ở trên, dù còn nhiều thách thức nhưng rào cản lớn nhất vẫn là vấn đề tâm lý, chúng ta đang lười đi, đánh mất giá trị bền vững lâu dài bởi sự tiện lợi trước mắt.
Dù đối mặt với những thách thức lớn, dự án RideRight đang là một bước quan trọng để thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận về việc đi lại và đến trường. Với sự hỗ trợ và tham gia của toàn xã hội, chúng ta có thể vượt qua những thách thức này và tạo ra một tương lai mà mọi người đều có thể hạnh phúc và khỏe mạnh trên chiếc xe đạp của mình.
Trách nhiệm của các bên liên quan
Chính phủ, những người làm chính sách, Chính quyền địa phương, gia đình, phụ huynh, giáo viên, nhà trường, cộng đồng dân cư và toàn thể cộng đồng đều là những đối tượng có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe và an toàn cho học sinh, cụ thể là đối tượng thanh thiếu niên – đối tượng kế cận tương lai của đất nước.
RideRight – Đi học khỏe và An toàn sẽ là nơi gắn kết, tổng hợp sức mạnh của tất cả các bên liên quan tham gia vào quá trình này. Hãy đồng hành cùng HBW vì tương lai của đất nước và toàn xã hội.
Những việc là trách nhiệm mà chúng ta cần phải cùng làm:
- Xây Dựng Chính Sách An Toàn Giao Thông: Phát triển và thúc đẩy chính sách hỗ trợ an toàn giao thông, đặc biệt là đối với người đi xe đạp.
- Nâng Cao Hạ Tầng Giao Thông: Đầu tư vào hạ tầng an toàn cho người đi xe đạp và đi bộ, bao gồm làn đường riêng, bãi đỗ xe, và đèn tín hiệu dành riêng cho họ.
- Quản lý Giao Thông Đô Thị: Đảm bảo môi trường giao thông đô thị an toàn và thuận lợi cho người đi xe đạp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đưa ra chế tài cho các trường hợp vi phạm như lấn chiếm, phá hoại.
- Giáo Dục Về An Toàn Giao Thông: Phụ huynh và Nhà trường cần phối hợp với HBW hướng dẫn con em cácquy tắc và biện pháp an toàn khi đi xe đạp, luật giao thông đường bộ, tạo các khóa học, chương trình thực tế để các em tiếp cận dần với giao thông đô thị.
- Chương Trình Giáo Dục An Toàn: Tích hợp chủ đề an toàn giao thông và đi xe đạp vào chương trình giáo dục chính thức, định kỳ và có sự kiểm tra, đánh giá. Nhằm đưa việc tham gia giao thông xanh và an toàn trở thành ý thức của mỗi học sinh.
- Tạo Cộng Đồng Ủng Hộ Xe Đạp: Tạo ra một môi trường ủng hộ và tích cực đối với việc sử dụng xe đạp trong cộng đồng. Bằng cách xây dựng cộng đồng tại chỗ trong các khu dân cư, các cộng đồng đạp xe địa phương để khuyến khích sự tham gia của các em học sinh.
- Báo Cáo Hành Vi Giao Thông Độc Hại: Thông báo về hành vi giao thông độc hại và ủng hộ các biện pháp để cải thiện. Tuyệt đối nói không với giao xe gắn máy phân khối lớn cho học sinh chưa đủ tuổi. Chủ động báo cáo cho cơ quan chức năng như nhà trường, chính quyền địa phương về các hành vi vi phạm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các em học sinh khác mà còn gây nguy hiểm trong cộng đồng.
Và HBW cần nhất, là mọi người hãy ủng hộ và hỗ trợ chương trình RideRight: Cung cấp nguồn lực như: nhân lực, tài lực, vật lực… và hỗ trợ cho HBW để chương trình có thể phát triển hiệu quả tại cấp địa phương, từ đó nhân rộng mô hình ra khu vực và toàn quốc. Khuyến khích các em học sinh tích cựcc tham gia vào RideRight dưới nhiều hình thức.